Cuộc sơ tán cơ sở công nghiệp và thiết lập hàng rào mìn tại Kharkov Chiến_dịch_Kharkov_(1941)

Sơ tán

Nhà ga, các toa tàu còn lại trên tuyến, đường sắt phía nam trên phố Sverlov bị phá hủy ngày 25 tháng 10 năm 1941

Ngày 16 tháng 9 năm 1941, một ngày sau khi Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) bị bao vây ở phía đông Kiev, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Liên Xô cùng lúc thông qua hai quyết định: Quyết định số 681 về việc "Sơ tán triệt để tất cả các cơ sở công nghiệp tại thành phố Kharkov và vùng Kharkov"; Quyết định số 685 về việc "Di tản toàn bộ phụ nữ và trẻ em từ Kharkov và khu vực Kharkov". Ngày 30 tháng 9 năm 1941, tiếp tục có quyết định của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Ukraina về việc di tản gia súc, vật nuôi, máy móc nông nghiệp và thu hoạch cây trồng. Việc di chuyển các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp và dân cư được dự kiến thực hiện trong thời gian trên dưới một tháng.[36]

Cuộc di tản chiến lược đầu tiên được bắt đầu với các nhà máy, xí nghiệp lớn nhất như: Nhà máy sản xuất đầu máy xe lửa hơi nước, các nhà máy sản xuất máy kéo, các nhà máy sản xuất máy bay. Toàn bộ các cơ sở chế tạo máy được đưa đến Chelyabinsk. Ngay sau đó, khi phối kết hợp với dây chuyền sản xuất máy kéo ЧТЗ, người Nga đã xây dựng tại Chelyabinsk cả một "thành phố xe tăng" (Танкоград).[37]

Các nhà máy sản xuất máy kéo bánh hơi được đưa về Stalingrad, các nhà máy sản xuất ô tô được chuyển đến Perm. Để đẩy nhanh việc di tản của nhà máy quan trọng trong thành phố, hệ thống xe điện được trưng dụng triệt để. Do đó, các thiết bị đã tháo dỡ được vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt, nối với hệ thống đường xe lửa. Trong tháng 10, người Nga bắt đầu di tản cư dân và các xí nghiệp khác. Đến ngày 20 tháng 10, 1.941 điểm dân cư thuộc các cơ sở công nghiệp hầu như đã được di tản hoàn toàn từ Kharkov về phía đông trên 320 đoàn xe lửa. 70 nhà máy lớn đã được tháo dỡ hoàn toàn và được chuyển sang vùng công nghiệp Ural cùng toàn bộ các đoàn tàu và tài sản chủ yếu của Liên hiệp đường sắt Phương Nam.[38].

Việc di tản của khu vực nông nghiệp cũng được thực hiện thành công. Hơn 95% số trạm máy kéo cùng các tài sản, 90% số gia súc và ngựa đều được chuyển đi. Tất cả các cơ sở sản xuất thuộc ngành công nghiệp thực phẩm (đường, thịt hộp, rượu, bột, ngũ cốc) đều được tháo dỡ và di tản. Một phần lớn khoai tây, củ cải đường và các sản phẩm cây trồng khác đã được thu hoạch nhanh chóng và chuyển về phía đông. Những nơi không thu hoạch kịp đều thực hiện tiêu hủy triệt để.[39]

Việc di tản dân cư cũng diễn ra khẩn trương. Ngoài các cơ quan chính quyền, các cơ quan đảng, phụ nữ và trẻ em; các chuyên gia, công nhân lành nghề, các nhà khoa học, các chuyên gia y tế và các thành viên của gia đình họ là một trong những đối tượng được di tản đầu tiên. Sau đó là các nhân viên kỹ thuật, công nhân, những người hoạt động trong các ngành văn hóa nghệ thuật với số lượng rất đông.[40] Việc một phần cư dân người Do Thái không được di tản kịp thời đã trở thành cái cớ để một số nhà nghiên cứu cáo buộc chính quyền Xô Viết đã đồng mưu bỏ mặc họ cho chính quyền Đức Quốc xã trong thảm kịch Drobytsky Yar.[41][42] Một trong những nguyên nhân của việc chậm trễ này là do số lượng phụ nữ và trẻ em cần di tản quá đông và sự chậm trễ trong tổ chức. Trên thực tế, vào thời điểm cuối cùng, cũng chỉ di tản được 78% số trẻ em và người già, hơn 60% phụ nữ còn lại trong thành phố, (không kể số người đã rời đi trước tháng 9 năm 1941).[41] Kết quả là đến ngày 20 tháng 10 năm 1941, 56 đoàn xe lửa và 225 toa lẻ chở người đã rời Kharkov về phía đông an toàn. Một nhóm nhỏ những người còn lại rời khỏi Kharkov sau cùng với sự rút lui của các đơn vị quân đội Liên Xô trên các xe thô sơ do súc vật kéo.[43].

Gài mìn

Bộ binh Đức đi vòng qua các tuyến chống tăng vào Kharkov

Vào thời điểm cuối tháng 9 năm 1941, quyết định của Ban lãnh đạo Liên Xô tổ chức một cuộc rút lui có trật tự tại khu vực Kharkov là một trong số các biện pháp đặc biệt để không cho đối phương sử dụng các cơ sở công nghiệp, triệt tiêu nguồn thực phẩm; sử dụng mìn gài trên các nút giao thông đường sắt và các trung tâm thông tin, cầu cống, các tuyến giao thông, các nhà máy điện, các khu khai thác mỏ và các cơ sở quan trọng khác. Trong suốt thời gian cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra, các biện pháp tương tự như ở Kharkov chỉ được áp dụng cho Moskva, Leningrad và Kiev.[44]

Ngay từ ngày 27 tháng 9 năm 1941, nhiệm vụ này đã được đặt dưới sự chỉ đạo của đại tá kỹ sư công binh Ilya Grigorievich Starinov. Để thực hiện công việc này, I. G. Starinov được nhanh chóng triệu tập một đội ngũ kỹ sư, và khi mới đến Kharkov ông được giao nhiệm vụ giám sát tất cả các hoạt động gài mìn trong dải hành động của Phương diện quân Tây Nam, trong đó có việc thành lập các hàng rào khu phòng thủ Kharkov và bố trí các tuyến phòng thủ. I. G. Starinov có trong tay năm tiểu đoàn công binh, các đơn vị của ba đại đội quân bảo vệ đường sắt và năm trung đội súng phun lửa. Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Nam đã cấp cho các đội quân này hơn 110 tấn thuốc nổ, hơn 30.000 quả mìn chống tăng và mìn sát thương để thực hiện nhiệm vụ.[45] Toàn bộ các hoạt động trên được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của Ủy viên Hội đồng quân sự Mặt trận hướng Tây Nam, Bí thư thứ nhất trung ương Đảng Cộng sản (Bolshevik) Ukraina Nikita Khrushchev.[46]

Ngoài ra, đội quân của I. G. Starinov còn gài nhiều mìn điều khiển bằng điện và mìn nổ chậm. Để làm việc này, các nhà máy ở Kharkov đã sản xuất hơn 6.000 quả mìn sát thương kèm theo 2.000 thiết bị gây nổ các loại[21]. Ngay trước khi quân Đức tiến đến khu vực Kharkov, hơn 30.000 quả mìn chống tăng và mìn sát thương, khoảng 2.000 quả mìn nổ chậm, khoảng 1.000 mìn bẫy và hơn 5.000 mìn giả đã được gài. Những nơi được gài mìn dày đặc nhất là trên cây cầu, các tuyến đường bộ và đường sắt kéo dài đến các khu vực hậu tuyến sau: Krasnograd-Kharkov, Poltava-Kharkov, Bogodukhov-Kharkov, Kharkov-Belgorod, Sumi-Belgorod. Các nhà chứa máy bay, các tòa nhà và đường băng sân bay của tất cả các sân bay xung quanh thành phố cũng được gài mìn dày đặc.[21]

Mìn còn được gài ở nhiều nơi trong thành phố với mục đích phá hoại như các bốt điện thoại công cộng, các trạm phát điện, hệ thống ống cấp và thoát nước, hệ thống lò sưởi hơi nước, các rạp chiếu phim, các phương tiện vận tải bị bỏ lại, trạm điều hành không lưu và trạm điều vận đường sắt tại các nhà ga ở Kharkov.[47] Mìn đã phá hủy hầu hết nhà cửa và các trang thiết bị không thể tháo dỡ của các cơ sở công nghiệp của thành phố. Mìn điều khiển bằng điện đã làm nổ tung các cây cầu trên tuyến đường đi Kholodnogorsk, Usovsk và một cây cầu đường sắt. Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân Nam của Đức phải cho tháo 350 quả mìn nổ chậm và mìn bẫy mới có thể ở và làm việc được trong một vài tòa nhà còn sót lại của thành phố.[48]. Là kết quả của việc di tản và các hoạt động tiêu thổ tại Kharkov và toàn bộ vùng công nghiệp Donetsk, người Nga đã "chuẩn bị đầu hàng" bằng cách tước đi của quân Đức một thành phố lớn là trung tâm công nghiệp, giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng chiến lược. Theo ước tính của các chuyên gia Bộ các vùng lãnh thổ chiếm đóng phía đông của Đế chế thứ ba, được thực hiện sau khi quân Đức chiếm giữ thành phố, chỉ riêng ngành công nghiệp của Kharkov đã bị thiệt hại vượt quá con số 30 triệu rúp Liên Xô.[49]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Kharkov_(1941) http://ww2db.com/battle_spec.php?battle_id=58 http://web.archive.org/20010317223742/railway.by.r... http://chtz-uraltrac.ru/articles/categories/24.php http://lib.ru/MEMUARY/STARINOW/soldat.txt http://militera.lib.ru/bio/karpov/25.html http://militera.lib.ru/db/halder/1941_11.html http://militera.lib.ru/memo/russian/grechko_aa2/02... http://militera.lib.ru/memo/russian/popel1/05.html http://militera.lib.ru/memo/russian/starinov_ig/31... http://www.silverwings.ru/sec9/pos508